Điểm sáng từ thị trường và chuyên mục kỹ thuật bệnh đốm trắng trên tôm
TIN TỨC SUNJIN
Số E10 – 10/2021
Điểm sáng từ thị trường
Ngay từ những ngày đầu tháng 10, khi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây dần mở cửa trở lại thì giá tôm các loại cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại. Đến thời điểm hiện tại giá tôm một vài loài đã tăng hơn nhiều so với giai đoạn tháng 9.
Cụ thể, tại tỉnh Bạc Liêu tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg có giá 225.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 105.000 đồng/kg; loại 100 con/kg giá 87.000 đồng/kg… Còn giá tôm sú cũng tăng khoảng 3 – 5% so với đợt cao điểm của dịch bệnh. Tôm sú loại 20 con/kg giá 220.000 đồng/kg, 30 con/kg giá 190.000 đồng/kg và 40 con/kg là 170.000 đồng/kg. Còn ở một số khu vực khác, giá tôm cũng dao động trong 80.000 đến 90.000 đồng/kg loại 100 con. Giá tôm thẻ đã tăng thêm từ 10,000 đến 15,000 VND/kg so với tháng 9 tùy vào tình hình từng khu vực cụ thể sẽ có mức tăng khác nhau. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng để bà con nuôi tôm chuẩn bị bắt đầu cho vụ nuôi mới sau thời gian lo lắng giá tôm cứ liên tục lao dốc. Dự kiến giá tôm thẻ sẽ còn tiếp tục tăng khi các nhà máy chế biến bình thường hóa hoạt động, xuất khẩu tôm phục hồi trở lại.
Còn ở tỉnh Kiên Giang, giá tôm càng xanh hiện tại đã phục hồi trở lại nhưng giá vẫn còn khá thấp so với giá trung bình tại thời điểm này năm trước. Cụ thể, hiện tại giá tôm càng xanh cỡ 10 con/kg vẫn mới phục hồi về mức khoảng 120.000 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm trước giá tôm cùng cỡ là hơn 130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, Campuchia – một thị trường nhập khẩu tôm càng khá lớn của Việt Nam đang chuẩn bị mở của trở lại được, bên cạnh đó là việc mở cửa trở lại các tỉnh thành trong nước cũng như khởi động trở lại ngành du lịch được xem là điểm sáng cho sự phục hồi và có thể tăng trở lại trong thời điểm cận Tết Nguyên Đán.
Chuyên mục kỹ thuật
BỆNH ĐỐM TRẮNG (WHITE SPOT SYNDROME VIRUS_WSSV)
TRÊN TÔM NUÔI
Trung Tâm Nghiên Cứu Đổi Mới Thủy Sản
Bệnh đốm trắng (WSSV) là một trong những mối nguy gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi tôm công nghiệp toàn cầu. Bệnh WSSV xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc năm 1989. Sau đó, virus gây bệnh đốm trắng đã được phát hiện và gây tỷ lệ chết cao trên tôm nuôi ở các nước Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… cho đến nay.
Lịch sử xuất hiện bệnh WSSV
1. Tác nhân gây bệnh:
Tại hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 12 (2002), các nhà nghiên cứu Just M. Vlak, Jean-Robert Bonami, Tim W. Flegel, Guang-Hsiung Kou, Donald V. Lightner, Chu-Fang Lo, … đã phân loại virus gây hội chứng đốm trắng là một giống mới Whispovirus thuộc họ Nimaviridae.
- Virus dạng trứng, kích thước 120×75 nm, có một đuôi phụ ở một đầu, kích thước 70×300 nm.
- Nhân cấu trúc dsADN: không có thể ẩn
- Khi tôm xuất hiện đốm trắng, quan sát thấy có nhiều thể vùi. Nhân của tế bào mang, biểu bì ruột, dạ dày, tế bào biểu bì dưới vỏ bị hoại tử và sưng to.
Mô hình cấu tạo của Whispovirus
2. Dấu hiệu bệnh lý:
- Tôm bị nhiễm bệnh có những đốm trắng đường kính từ 0,5 – 2,0 mm ở dưới vỏ.
- Giảm ăn đột ngột, hoạt động chậm chạp, các phụ bộ bị tổn thương, nắp mang phồng lên, vỏ có nhiều sinh vật bám.
- Tôm bệnh thường xuất hiện dấu hiệu đỏ thân. Tôm nổi trên tầng mặt, dạt vào bờ, mềm vỏ, ốp thân.
- Khi tôm có dấu hiệu yếu cùng với sự xuất hiện của các đốm trắng, tỷ lệ tôm phát bệnh lên đến 100% trong vòng 3 – 5 ngày.
– Tôm chết hàng loạt trong ao.
Các biểu hiện trên tôm bị đốm trắng (Nguồn: Dr. Lightner; CIBA)
3. Con đường lan truyền bệnh:
- WSSV xảy ra ở tôm giống và các giai đoạn tôm trưởng thành trong các vùng nuôi quảng canh, bán thâm canh và thâm canh. Chủ yếu ảnh hưởng đến tôm ở giai đoạn dưới 45 ngày sau khi thả giống.
- Tôm mẹ bị nhiễm virus đốm trắng sẽ lây truyền cho tôm con thông qua việc thải virus đốm trắng từ buồng trứng vào môi trường nước qua quá trình đẻ trứng.
- Lây từ tôm bệnh sang tôm khỏe; Từ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh (cua, tôm, giáp xác nhỏ trong ao); Từ chim, cò ăn tôm trong các ao bệnh lây sang ao khỏe.
- Mùa xuất hiện bệnh là mùa xuân và đầu hè khi có sự biến động nhiệt độ > 5 oC hoặc do biến động nhiệt độ và pH sau các trận mưa lớn.
(A, B: đốm trắng trên tôm bị nhiễm virus WSSV; C, D: đốm trắng do vi khuẩn Vibrio)
(Nguồn: www.shodhganga.inflibnet.ac.in)
Sự phát triển của bệnh WSSV trên tôm
4. Biện pháp phòng bệnh WSSV:
- Sử dụng con giống sạch bệnh; Không nên thả giống vào mùa lạnh; Không vận chuyển tôm giống với mật độ cao. Khi về đến trại nuôi, các túi tôm giống phải được khử trùng và rửa sạch bằng nước trước khi tiến hành thả giống.
- Bổ sung vitamin C, tinh dầu, acid hữu cơ và beta-glucan vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
- Nguồn nước sử dụng phải được lọc bằng lưới mịn và xử lý chlorine trước khi sử dụng.
- Áp dụng các biện pháp An Toàn Sinh Học cho trại nuôi như:
- Lưới ngăn cua, còng vào trại và ao; Lưới ngăn chim, cò xuống ao nuôi.
- Hàng rào ngăn cách giữa các ao.
- Kiểm tra thành phần tảo, màu nước ao nuôi và các chỉ tiêu môi trường nước hằng tuần.
- Định kỳ bón vôi cho ao nuôi, đặc biệt sau khi thay nước và trời mưa.
- Xử lý và vớt bỏ xác tảo chết trong ao tôm.
- Sử dụng nhá để kiểm tra thức ăn nhằm đảm bảo lượng ăn cho tôm nuôi.
- Quan sát hoạt động của tôm trong ao thường xuyên.
- Vớt tôm chết và chôn cách xa các ao.
5. Biện pháp xử lý khi ao bị đốm trắng:
- Báo cáo dịch bệnh ngay tức thời cho cán bộ khuyến ngư.
- Các ao bị WSSV phải cô lập, không cho công nhân qua lại.
- Sau khi tiêu hủy hoặc thu hoạch tôm, tiến hành xử lý nước ao bằng chlorine 30 ppm, giữ nước trong ao 7 ngày trước khi xả ra bên ngoài vì virus đốm trắng sẽ chết sau 72 giờ khi không có ký chủ.
- Xả cạn ao và phơi đáy ao 15 ngày, tiến hành bón vôi CaO để nâng pH đất lên 12. Tiếp tục phơi ao 15 – 20 ngày để diệt hết mầm bệnh.
- Đối với những ao không xả nước được. Tiến hành thả nuôi cá chẽm một vụ vì cá chẽm là loại ăn thịt, sẽ diệt hết tôm mang mầm bệnh WSSV trong ao.
- Khử trùng toàn bộ trại nuôi.
Nhãn
Tin tức liên quan
23 tháng 10 2023
🌹 SUNJIN MIỀN NAM – CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10/2023 🌹
28 tháng 09 2023